Trẻ chậm phát triển trí tuệ có mức trí tuệ thấp hơn so với độ tuổi ở một số hoặc tất cả các kỹ năng thích ứng như giao tiếp, tự chăm sóc, vui chơi, nhận thức... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập của trẻ, dẫn đến nhiều hạn chế trong cuộc sống. Do đó, phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các kỹ năng mà chúng bị khiếm khuyết. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thông tin cần thiết xoay quanh chủ đề này.

Phát hiện trẻ chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ nghĩa là các chức năng tâm thần “bị chậm” hay nói cách khác là không phát triển được như mong đợi đối với độ tuổi của trẻ. Trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp khó khăn khi học những điều mới. Sự bất lực này có thể tác động tới mọi khía cạnh phát triển của trẻ, từ học đi, đứng tới ăn và nói. Trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể phát hiện ngay từ khi sơ sinh với một số biểu hiện như:

  • Chậm phát triển các kỹ năng vận động tinh như: Chậm lẫy, bò, ngồi, đi, đứng, lóng ngóng tay chân.
  • Không thực hiện được các công việc hàng ngày như ăn uống vệ sinh, tắm giặt...
  • Nhớ kém, khó tập trung vào một hoạt động hoặc đi vẩn vơ một mình, lúc khác lại leo trèo, chạy nhảy, hiếu động.
  • Khả năng nghe hiểu chậm, tiếp thu kém.
  • Không biết chơi với đồ chơi, hay ném, đập, phá và chơi cùng các bạn khác.
  • Nói muộn hơn bình thường, chỉ nói câu đơn giản, từ ngữ nghèo nàn.
  • Giải quyết vấn đề, ra quyết định chậm kể cả việc đơn giản.
  • Khó khăn khi học các môn yêu cầu tư duy, ghi nhớ.
  • Tâm lý thất thường, lúc vui vẻ quá mức, khi khác lại rụt rè.

Can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ

Mặc dù bị chậm phát triển trí tuệ nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt được nhiều mốc quan trọng trong cuộc đời. Điều quan trọng là cha mẹ cần phát hiện sớm, chấp nhận sự chậm trễ ở con để từ đó can thiệp tích cực, giúp trẻ cải thiện dần những kỹ năng còn thiếu sót.

Phục hồi chức năng/điều trị y học

Kỹ năng của trẻ chậm phát triển trí tuệ chậm hơn bình thường, vì vậy trước khi can thiệp giáo dục cần phục hồi các chức năng cho trẻ. Mục tiêu là kích thích sự phát triển về vận động tinh, thô, kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ, trí tuệ, cũng như kiểm soát hành vi ứng xử của trẻ.

Các kỹ năng can thiệp

Một số kỹ thuật can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ gồm:

  • Vận động

+ Xoa bóp cơ tay, chân, lưng.

+ Các kỹ thuật tạo thuận lẫy, ngồi, bò, đứng, đi.

+ Các hoạt động cá nhân.

  • Hoạt động trị liệu

+ Huấn luyện kỹ năng vận động tinh của tay.

+ Huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.

+ Tương tác, vui chơi.

  • Ngôn ngữ trị liệu

+ Kích thích trẻ giao tiếp sớm bằng mắt, cử chỉ, điệu bộ.

+ Huấn luyện kỹ năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ.

  • Giáo dục mầm non, hòa nhập cùng trẻ bình thường.
  • Dùng thuốc

Một trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể được chỉ định dùng thuốc kháng động kinh, hormon giáp trạng, điều trị còi xương nếu có những bệnh liên quan gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các kỹ năng.