Tự kỷ là một rối loạn thần kinh phức tạp, xuất hiện sớm ngay từ thời thơ ấu và kéo dài đến suốt đời. Vì thế, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ cần được chú trọng đặc biệt bởi nó có thể tác động to lớn đến khả năng học các kỹ năng và hòa nhập xã hội của trẻ sau này. Dưới đây là những thông tin tổng hợp về chủ đề này để cha mẹ tham khảo.

Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ là gì?

Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội, đồng thời kèm theo các hành vi lặp đi lặp lại, sở thích rập khuôn, giới hạn.

Hiện nay, không có thuốc hay biện pháp nào có thể chữa khỏi rối loạn phổ tự kỷ, nhưng  nhiều phương pháp can thiệp đã được phát triển và nghiên cứu để cải thiện các chức năng cho trẻ mắc hội chứng này. Can thiệp sớm là việc làm ngay khi nghi ngờ trẻ mắc rối loạn tự kỷ mà có thể không cần đợi đến khi chẩn đoán chắc chắn. Thông thường, can thiệp sớm là can thiệp trẻ trong độ tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), trong đó can thiệp trước 3 tuổi được nhấn mạnh về tầm quan trọng vì có ý nghĩa tích cực trong cải thiện hiệu quả điều trị và làm tăng chất lượng sống của trẻ và gia đình sau này.

Ba-me-nen-can-thiep-som-cho-tre-tu-ky.jpg

Ba mẹ nên can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ

Nguyên tắc khi can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ không chỉ hướng tới đứa trẻ mà còn chú trọng đến cha mẹ và gia đình. Cha mẹ không nên có tâm lý chờ đợi, hy vọng trẻ sẽ không sao hay con chỉ chậm nói thôi, lớn lên sẽ khác hoặc đi khám quá nhiều nơi chỉ để xác định có chắc chắn tự kỷ hay không. Tất cả những điều này sẽ làm mất thời gian, mất cơ hội cho trẻ được can thiệp sớm.

Sau đây là một số nguyên tắc khi can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ:

Can thiệp lấy trẻ tự kỷ và gia đình là trung tâm

  • Mỗi trẻ tự kỷ là một cá thể riêng biệt, tất cả trẻ đều có cơ hội học tập theo những cách riêng.
  • Can thiệp có sự tham gia tích cực của các thành viên trong gia đình trẻ, phối hợp cùng với chuyên gia, nhà trị liệu, giáo viên nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất có thể.
  • Gia đình được hướng dẫn và trợ giúp trong suốt quá trình can thiệp.

Can thiệp có cấu trúc

  • Người tiến hành can thiệp được đào tạo theo chuyên ngành của mình.
  • Chương trình can thiệp được cá nhân hóa, phù hợp với đặc điểm, khó khăn và nhu cầu của trẻ cũng như gia đình.
  • Chương trình can thiệp có thể điều chỉnh linh hoạt.
  • Các hoạt động can thiệp được tổ chức có hệ thống, dễ tiếp cận đối với gia đình trẻ tự kỷ.
  • Cung cấp môi trường học tập thuận lợi: Trẻ được an toàn và được tạo điều kiện để phát huy năng lực cá nhân.
  • Có các hoạt động phù hợp nhằm hỗ trợ trẻ đi học hòa nhập.
  • Có các hoạt động giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc với trẻ cùng lứa phát triển bình thường.

Dựa trên các bằng chứng khoa học

  • Tập trung vào việc phát triển các kỹ năng mà trẻ tự kỷ thiếu sót: Chú ý, giao tiếp, bắt chước, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, nhận thức.
  • Bao gồm các chiến lược giúp trẻ học kỹ năng mới và sử dụng chúng trong những bối cảnh khác nhau (khái quát hóa).
  • Được xây dựng dựa trên các học thuyết, có bằng chứng khách quan về tính hiệu quả thông qua nghiên cứu khoa học.