Con chậm nói, thậm chí không nói khiến bạn hoang mang, lo lắng vì không biết vấn đề nằm ở đâu. Trên thực tế, điều này khá dễ hiểu bởi nguyên nhân khiến trẻ chậm nói rất nhiều, trong đó có một số bệnh lý tiềm ẩn cản trở việc phát âm hoặc rối loạn quá trình xử lý ngôn ngữ. Vậy trẻ chậm nói có phải là bệnh lý không? Khi nào thì chậm nói là dấu hiệu cảnh báo điều bất thường?

Những bệnh lý gây chậm nói ở trẻ nhỏ

Rất nhiều bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về lời nói và ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Dưới đây là một số bệnh lý góp phần gây ra chậm trễ trong kỹ năng nói và hiểu.

Bệnh lý thực thể cơ miệng

Hở hàm ếch là một ví dụ điển hình của bệnh lý miệng ảnh hưởng tới lời nói. Ngoài ra, trẻ bị dính thắng lưỡi do dây thắng lưỡi ngắn bất thường cũng hạn chế cử động của đầu lưỡi, ảnh hưởng tới khả năng phát âm của trẻ. Thông thường, bệnh sẽ được bác sĩ nhi khoa phát hiện trước khi trẻ bắt đầu học nói, nhưng đôi khi cũng bị bỏ sót và chỉ biết đến nếu bố mẹ thấy trẻ có biểu hiện chậm nói.

Bệnh lý vận động miệng, rối loạn âm thanh

Nhiều trẻ gặp rắc rối tại các vùng não chịu trách nhiệm trong việc sản xuất lời nói, ví dụ bệnh loạn vận ngôn (rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não), gây ra chậm nói. Lúc này, trẻ không kiểm soát được các cơ môi, lưỡi hoặc hàm một cách bình thường sẽ gặp khó khăn trong khi nói.

Bệnh lý về thính giác, nhiễm trùng tai

Bệnh lý về thính giác khá phổ biến và ảnh hưởng trực tiếp đến lời nói của trẻ nhỏ. Đây cũng là lý do các bác sĩ thường yêu cầu kiểm tra thính lực của trẻ để chắc chắn rằng, nghe kém không phải là “thủ phạm” gây ra chậm nói.

Mặt khác, không ít trẻ mắc nhiều đợt viêm tai trước 3 tuổi, dẫn đến nhiễm trùng tai, làm tăng nguy cơ chậm nói.

Các vấn đề về thần kinh

“Trẻ chậm nói có phải là bệnh lý về thần kinh” cũng là thắc mắc của không ít phụ huynh hiện nay. Thực chất, điều này hoàn toàn có cơ sở nếu vùng não chịu trách nhiệm cho việc nói và tiếp nhận ngôn ngữ gặp bất cứ vấn đề gì bất thường. Đó có thể là:

  • Bại não: Trẻ bị bại não thường đi kèm rối loạn khả năng học tập, động kinh, các vấn đề về thính giác, thị giác và ngôn ngữ.
  • Chấn thương sọ não: Tùy vào mức độ và vị trí của chấn thương não, các triệu chứng trẻ gặp phải có thể từ nhẹ đến nặng. Suy giảm một hoặc các lĩnh vực như: Nhận thức, giao tiếp, nghe hiểu thường phổ biến hơn chậm nói.
  • Rối loạn dưỡng cơ: Loạn dưỡng cơ mặt khiến trẻ khó nhắm mắt và phồng má, gây trở ngại trong việc phối hợp các cơ miệng khi nói.
  • Thiểu năng trí tuệ: Là tình trạng trẻ chậm phát triển trí tuệ và thiếu hụt các kỹ năng cần thiết của cuộc sống. Triệu chứng của thiểu năng trí tuệ ở trẻ em như khó đánh vần, khó nói một cách lưu loát, gặp vấn đề trong việc liên kết và tổ chức câu khi nói…

Các bệnh khác

Chứng chậm nói ở trẻ em còn được gây ra bởi một số bệnh hiếm gặp như:

  • Bệnh khó học: Rối loạn này khiến trẻ gặp khó khăn khi thực hiện một số kỹ năng cụ thể, ví dụ: Không nhớ lâu, không nói được… mặc dù có chỉ số IQ bình thường.
  • Chứng khó đọc: Đây là một rối loạn học tập ảnh hưởng đến những khu vực của vùng não xử lý ngôn ngữ do các vấn đề xác định âm thanh và lời nói.

Điều trị các bệnh lý gây chậm nói cho trẻ

Tùy vào nguyên nhân cơ bản và mức độ ảnh hưởng, chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh lý khiến trẻ chậm nói tương ứng. Nếu cơ miệng có vấn đề là lý do làm trẻ khó phát âm, một số tiểu phẫu có thể giải quyết chúng. Điều này sẽ giúp các cơ quan vòm miệng - lưỡi phối hợp một cách nhịp nhàng hơn, tạo tiền đề để trẻ phát triển lời nói.

Với những bệnh lý liên quan đến thính giác, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ để quá trình nghe diễn ra bình thường. Tuy nhiên, không ít trường hợp trẻ chậm nói do bệnh lý dù đã được điều trị nhưng ngôn ngữ vẫn không cải thiện thì cần can thiệp bằng các biện pháp tâm lý chuyên biệt để cải thiện lời nói.