Chào bác sĩ. Con trai em 22 tháng tuổi. Mới 7 tháng bé đã nói được từ ba, bà, đến 1 tuổi thì gọi thêm từ mẹ, ông. Tuy nhiên, 16 tháng sau, bé bị viêm phổi đi viện 3 tháng liền và uống rất nhiều kháng sinh. Từ lúc ở viện về, bé không nói được từ nào nữa. Hiện giờ em chưa cho bé đi khám, con cũng chưa đi học mà ở nhà với bà, tối đến bố mẹ dạy tập nói và hạn chế xem tivi. Cho em hỏi, tình trạng chậm nói của con như vậy có sao không và nhờ bác sĩ tư vấn cách dạy hiệu quả ạ?
Trả lời:

Chuyên gia tư vấn:

Chào chị. Với những thông tin chị cung cấp, tôi cũng đã nắm được một số vấn đề cơ bản về tình trạng của bé. Tôi cho rằng, bé đi viện lúc 22 tháng vì bị ốm chứ đây không phải là lý do con không nói nữa. Bởi trước đó con đã có ngôn ngữ, nói được thành từ, còn hiện tại là thoái lùi, chậm nói.

Hiện tại, gia đình vẫn chưa cho con đi khám, chưa đi học mà ở nhà với bà. Theo tôi, bố mẹ nên cho bé đi khám ở các bệnh viện nhi để đánh giá tâm lý và mức độ phát triển. Lúc này, các nhà chuyên môn sẽ biết được con chậm ngôn ngữ đơn thuần hay có vấn đề kèm theo như giảm tương tác, hành vi rập khuôn, định hình, liệu có nguy cơ tự kỷ không? Tuy nhiên, với thông tin tôi nắm bắt, trước hết là con của chị chậm ngôn ngữ.

Dù gia đình đã tích cực dạy con ở nhà, hạn chế xem tivi nhưng chưa cho bé đi học hoặc can thiệp thì rất đáng tiếc. Bởi trên thực tế, trẻ 22 tháng đã nói được nhiều từ đơn giản như bố, mẹ, bà hoặc những gì mình muốn, ví dụ: Đi, mở, sữa, uống... Hay có những bé nhanh nhẹn còn nói được câu 2-3 từ. Vì vậy, gia đình cần cho bé đi khám để từ đó có những tác động can thiệp tích cực hơn. Khi khám xong, chắc chắn các chuyên gia cũng sẽ tư vấn cho bố mẹ cách dạy con ở nhà hoặc học trung tâm can thiệp nếu cần thiết.

Đến gặp chuyên gia để xác định mức độ phát triển của con

Ở nhà, muốn con nhanh biết nói cần phải dạy thường xuyên. Bắt đầu từ những từ ngữ đơn giản gắn liền với nhu cầu, gọi tên người thân trong gia đình, đồ vật xung quanh... Đồng thời, phải chơi với con thật nhiều, tương tác qua lại, tăng cường giao tiếp mắt, sử dụng các cử chỉ tay chân để bé giao lưu với những người xung quanh. Cử chỉ giao tiếp là những hành động như: Chỉ tay khi cần, chìa tay xin, bye bye, đập tay, hoan hô... Những hành vi này tuy đơn giản nhưng để con biết, chủ động học và làm theo là cả một quá trình. Do đó, bố mẹ không được nản, nếu dạy mà con không bắt chước hay làm theo thì cần tạo tình huống vui nhộn để chỉ cho con.

Khi dạy con nên cầm tay chỉ việc, sai làm việc vặt trong nhà, kỹ năng vận động sinh hoạt, chẳng hạn: Cầm bát, cầm thìa, đi vệ sinh, cởi quần áo... Hãy kiên trì từng bước, không chỉ dạy nói mà phải kèm theo nhận biết. Bởi nói chỉ là phần ngọn, gần như là bước phát triển cuối cùng của ngôn ngữ, phải có nhận biết, hiểu, tương tác thì ngôn ngữ mới bật ra theo đúng hoàn cảnh, điều kiện thực tế. Đây chính là ngôn ngữ biết nói. Còn nói mà không hiểu, sai ngữ cảnh chỉ là nói vẹt, không phải ngôn ngữ. Hy vọng sự tư vấn của tôi đã giúp ích được cho chị cũng như gia đình khi dạy con.

Chúc chị sức khỏe và mong bé sớm tiến bộ!

Ths Quách Thúy Minh