Chào bác sĩ. Con tôi 4 tuổi, bị chậm nói, chỉ nói được từ đơn, không tập trung. Tôi đã cho bé đi học lớp dành cho trẻ chậm nói và vẫn chơi bình thường với các bạn. Hiện tại, tôi chưa cho bé đi khám nên muốn nhờ bác sĩ tư vấn cách can thiệp để con nói nhanh và nhiều hơn. Xin cám ơn bác sĩ! (Chị Thanh Nga – Khánh Hòa)
Trả lời:

Chuyên gia tư vấn:

Chào chị. Theo lời kể, con chị 4 tuổi mà mới chỉ nói từ đơn thì rất chậm bởi thông thường, ở tuổi này trẻ đã biết hỏi, kể chuyện mà mình tiếp xúc hàng ngày. Mặc dù gia đình đã cho bé đi học lớp chậm nói nhưng chưa thấy tiến triển nhiều. Tuy nhiên, bé vẫn chơi hòa nhập với các bạn, chứng tỏ sự tương tác rất tốt.

Hiện tại tôi cho rằng, ngoài việc đi học can thiệp, gia đình nên đưa bé đi khám tại các khoa tâm lý nhi. Bởi đi khám không chỉ đánh giá ngôn ngữ đơn thuần mà bác sĩ sẽ quan sát, tìm hiểu để xác định mức độ phát triển của con về nhận thức, ngôn ngữ, hành vi có gì đặc biệt, cảm xúc và có những rối loạn cảm giác đi kèm không.

Con chị đã học can thiệp ngôn ngữ thì gia đình nên hỏi thông tin từ các giáo viên dạy trẻ chậm nói là ở lớp học gì thì về nhà phải củng cố lại. Vì sự tiến bộ của con không phụ thuộc vào giáo viên mà quan trọng là gia đình phải dạy con bởi chỉ người thân mới đem lại cảm giác an toàn, thoải mái cho con. Đồng thời, phụ huynh phải hiểu con mình, dạy con học tự nhiên để giúp bé học được nhiều hơn, bởi nếu chỉ đi học nói ở trung tâm thì chưa đủ.

Ở nhà, muốn con nói thì trước mắt, bạn phải dạy con hiểu ngữ cảnh, đồ vật được dùng để làm gì, cách sử dụng ra sao. Giải thích cho con hiểu bằng lời, nên nói từ đơn giản, ngắn gọn. Ví dụ: Con muốn uống nước và nói được từ “nước” rồi thì chúng ta phải mở rộng từ bằng cách nói thêm vào: “Uống nước”, sau đó là: “Con uống nước” hoặc “Mẹ ơi, uống nước!”. Khi bé uống nước, phụ huynh cũng nên hỏi: “Con uống nước có ngon không?”, “Nước có mát không?” - Tất cả những điều này sẽ giúp con biết thêm các từ mới và ngữ cảnh để nói đúng.

Khi con nói các từ rời rạc thì cần xâu chuỗi lại bằng những câu ngắn, ví dụ: “À, con vừa kể con đi chơi với bạn Lan à?”, “Con với bạn chơi xếp hình đúng không?”, tức là chúng ta nói lại câu chuyện con vừa kể một cách mạch lạc. Cứ kiên trì từng bước một, ngày này qua ngày khác thường xuyên sẽ thấy bé tiến bộ rất nhanh.

Ngoài ra, không chỉ mẹ dạy con nói mà bố, ông bà cũng phải chơi cùng, trong khi chơi nói tên các món đồ, công dụng và cách chơi để con hiểu. Mặt khác, hãy tận dụng những tình huống sự vật, hiện tượng hàng ngày để dạy con làm việc nhà, cũng như các kỹ năng sinh hoạt khác trong cuộc sống.

Chúc chị và gia đình sức khỏe!

Ths Quách Thúy Minh