Chào bác sĩ. Cháu tôi 2 tuổi rưỡi bị tăng động, nghịch luôn chân luôn tay. Lúc 1 tuổi, cháu nói khá tốt nhưng đợt này tôi lại thấy cháu không nói nữa mà chỉ kéo tay bà lấy đồ, đêm ngủ cũng không ngon. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi hướng cải thiện và dạy cháu ở nhà! (Đinh Thị Huệ - Gia Lai)
Trả lời:

Chuyên gia tư vấn:

Chào chị. Bình thường trẻ 2 tuổi cũng rất hiếu động, tò mò tìm hiểu về môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nếu trẻ quá nghịch, bảo không nghe, thích làm theo ý mình, hay ăn vạ, hờn dỗi, khó chịu thì đây là những vấn đề mà phụ huynh cần giáo dục. Điều này có thể đến từ tính cách của bé hoặc người lớn chưa hiểu và dứt khoát với những hành vi của con.

Theo như mô tả, trước kia bé đã nói mà bây giờ không nói nữa thì có thể do mất ngôn ngữ chứ không đơn thuần là chậm nói. Ngoài ra, bé còn hay kéo tay mà không chỉ tay, chứng tỏ không có các cử chỉ giao tiếp. Như vậy, có 3 vấn đề mà gia đình cần lưu ý, bao gồm: Hành vi hiếu động, tăng động, ngôn ngữ thoái lùi và ít cử chỉ giao tiếp. Do đó, tôi nghi ngờ rằng, bé đang có một số nét của nguy cơ bị tự kỷ. Vì vậy, muốn biết chính xác, phụ huynh cần đưa bé đi khám chuyên khoa tâm lý ở các bệnh viện hoặc trung tâm chuyên biệt để đánh giá tổng hợp, bởi chúng ta mới chỉ nhận thấy một vài khía cạnh nhất định. Nếu không may bé mắc hội chứng tự kỷ thì cần phải cho trẻ đi học trung tâm chuyên biệt sớm kết hợp dạy bảo tại nhà.

Trong thời gian chưa đi khám hay can thiệp thì gia đình cần dạy bé ở nhà thật nhiều. Tất cả mọi người trong gia đình phải tham gia dạy con, từ ông bà đến bố mẹ. Hãy dùng những đồ vật đơn giản trong nhà để đố, hỏi bé như: “Cái gì đây? Ai đây?”, tức là gợi ý tương tác để con chú ý, nhìn rồi sau đó mới dạy nói. Với những cử chỉ giao tiếp phải cầm tay chỉ việc, dạy chỉ mọi thứ bằng ngón trỏ, xòe tay xin, khoanh tay ạ, chào mọi người…

Vì bé rất tăng động nên mọi thứ trong nhà cần được sắp xếp gọn gàng, tránh để con nghịch có thể gây nguy hiểm. Đồng thời, cần tích cực chơi với bé, tăng cường giao tiếp mắt, tăng tương tác qua lại gây sự chú ý, giúp việc hợp tác dễ dàng hơn. Với những hành vi tăng động, cần chuyển sang các hoạt động có định hướng, ví dụ: Cho bé làm việc nhà, cất dọn đồ chơi, đóng/mở cửa... Tối ngủ nên xoa bóp tay chân, kể chuyện đơn giản giúp bé dễ ngủ hơn.