Trẻ tự kỷ có khó khăn gì về giao tiếp?

Tự kỷ là một “phổ” rối loạn do các triệu chứng của nó sẽ khác nhau ở từng trẻ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ tự kỷ đều có hạn chế trong giao tiếp cả về hành vi và lời nói, tương tác. Trẻ tự kỷ thường có những thách thức sau:

  • Ít giao tiếp bằng mắt, tương tác với người khác và chia sẻ cảm xúc của mình.
  • Khó khăn trong việc học cử chỉ, nói và làm theo hướng dẫn.
  • Xu hướng lặp lại lời nói, hành động và chơi giới hạn.

Các hoạt động phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ

Theo chuyên gia, cha mẹ và những người trong gia đình có thể giúp trẻ học các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ tốt hơn bằng kỹ thuật đặc biệt. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

Hoạt động tăng cường kỹ năng chú ý

  • Bố trí môi trường học để tránh sự sao nhãng, không để quá nhiều đồ chơi trước mặt hoặc trong tầm với của trẻ. Sắp xếp đồ chơi hợp lý, trong phòng không có tiếng ồn, không gian vừa đủ, bàn ghế phục vụ cho việc học cá nhân.
  • Tập cho trẻ ngồi, mặt đối mặt, ngang tầm mắt, gọi tên trẻ trong mỗi hoạt động.
  • Thu hút sự chú ý của trẻ bằng các món đồ yêu thích.
  • Luôn đợi cho đến khi trẻ nhìn bạn hoặc nghe thấy mới tiếp tục hoạt động khác.

Hoạt động tăng cường kỹ năng chơi và bắt chước

Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ không thể thiếu các hoạt động bắt chước. Bắt chước là một kỹ năng quan trọng để học vì quá trình giao tiếp cần có sự hợp tác và tương tác giữa hai người. Để trẻ bắt chước được, trước hết, cha mẹ phải lôi kéo sự chú ý của trẻ và làm mẫu. Nếu trẻ tự kỷ không có khả năng bắt chước thì cần phải hỗ trợ theo các mức độ: Cầm tay chỉ việc hoàn toàn, trợ giúp một phần, gợi ý bằng cử chỉ, ký hiệu, gợi ý bằng lời.

Một số cách dạy trẻ bắt chước bạn có thể áp dụng như:

- Chơi đồ chơi lắp ghép, sắp xếp hoặc hoạt động sử dụng với đồ vật đơn giản hàng ngày.

- Bắt chước nét mặt, biểu cảm, động tác môi miệng, âm thanh, ví dụ như: Tặc lưỡi, liếm môi, chu môi, bạnh môi, cau mày, mặt xấu…

- Bắt chước âm thanh: Khà, ú òa, măm, hắt xì, bập bập, cạc cạc… hoặc các trò chơi liên quan đến môi miệng, nét mặt để dạy trẻ bắt chước âm thanh một cách tự nhiên nhất, không nên bắt ép. Khi trẻ có âm thanh nào cha mẹ nên đáp ứng âm thanh đó hoặc bắt chước lại.

- Bắt chước bài hát nhịp điệu và động tác theo bài hát.

- Bắt chước chơi giả vờ với búp bê hoặc gấu bông: Rót nước uống, xúc bằng thìa, vệ sinh, cắt hoa quả, khám bệnh, đi ô tô…

Hoạt động tăng cường việc hiểu lời nói

- Gọi tên trẻ trước khi nói để nhắc con cần nghe.

- Tránh phát âm rời rạc như: “Mẹ…của…con” mà nên nói rõ ràng, dứt khoát “Mẹ của con”.

- Chỉ dùng các từ quan trọng nhất, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, đưa ra từng chỉ dẫn cụ thể.

- Cho trẻ đủ thời gian hơn để xử lý được thông tin bạn nói.

- Sử dụng các phương tiện thị giác để giúp trẻ hiểu rõ hơn như đồ vật, biểu tượng (đồ chơi mô phỏng), tranh ảnh, cử chỉ…

- Hãy nói câu khẳng định khi muốn con làm điều gì đó. Không nên dùng câu phủ định để bảo con không làm điều gì đó.

- Dùng từ “tiếp theo”, “sau đó”  để giúp con hiểu thứ tự. Dùng các từ “kết thúc”, “xong rồi”,… để con hiểu sự kéo dài công việc trong một khoảng thời gian và lúc nào là hoàn thành.

- Nói các việc theo đúng trật tự mà việc đó sẽ diễn ra.

Hoạt động tăng cường luyện phát âm

  • Kéo căng cơ môi bằng cách bạnh mồm, chu môi.
  • Tập liếm môi (có thể bôi mật ong lên môi), tập mút kẹo…
  • Thổi bong bóng, xà phòng, thổi còi, thổi tắt nến,…
  • Chơi trò tặc lưỡi, bặm môi (tiếng gọi chó, gọi gà…), phun mưa, rung môi.
  • Cho trẻ tập ăn thức ăn cứng, cắn, nhai.
  • Tập phát âm các nguyên âm, phụ âm, từ dễ, gắn liền với đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể.