“Con tôi 3 tuổi mà chưa biết nói, chỉ quay vòng vòng, hay la hét. Liệu đây có phải là đặc điểm của trẻ tự kỷ không?” Đó là băn khoăn của một bà mẹ khi thấy con mình đến tuổi tập nói nhưng không bi bô, ê a như các bạn và có những hành vi khác thường. Thực chất, những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở bởi biểu hiện trên khá thường gặp ở trẻ tự kỷ. Vậy trẻ tự kỷ có đặc điểm gì và dựa vào đâu để nhận biết? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đặc điểm của trẻ tự kỷ
Trên thực tế, trẻ tự kỷ không có sự khác biệt về hình thể, bề ngoài so với bình thường. Hầu hết trẻ tự kỷ đều khôi ngô, tuấn tú, không có sự bất thường về giải phẫu nhưng ở các khía cạnh chức năng, tâm lý đều cho thấy vấn đề rõ rệt.
Tuổi khởi phát
Trẻ mắc chứng tự kỷ có thể phát hiện sớm trong giai đoạn từ 0-6 tháng tuổi như: Thiếu những cử chỉ, tương tác vui mừng với mẹ; Không tỏ thái độ thích thú, quan tâm khi có người trò chuyện; Lặng im cả ngày, ít cử động, có lúc rất ngoan, khi thì nghịch ngợm; Rối loạn giấc ngủ...
Lớn hơn 1 chút, khoảng 6 tháng đến 1 tuổi, trẻ không thể hiện nét mặt, cử chỉ vui mừng khi người thân ở gần; Không quan tâm đến âm thanh hoặc hình ảnh từ môi trường xung quanh; Nhìn chằm chằm vào những vật thể quay tròn, ngắm các ngón tay...
Thiếu hụt về kỹ năng tương tác xã hội
Trẻ ít giao tiếp bằng mắt, không biết chìa tay xin mà hay kéo tay người khác, không biết lắc hoặc gật đầu, không biết chỉ tay vào thứ mình muốn. Ngoài ra, đặc điểm dễ nhận thấy ở trẻ tự kỷ là ít đáp ứng khi được gọi tên. Ba mẹ có thể lo lắng con mình bị điếc, tuy nhiên nếu để ý kỹ, trẻ tự kỷ rất thính với những âm thanh quảng cáo. Mặt khác, trẻ còn không làm theo hướng dẫn, không chia sẻ sở thích, tình cảm với người khác.
Ngôn ngữ giao tiếp
- Không nói hoặc chậm nói: Đây là đặc điểm của trẻ tự kỷ mà phần lớn ba mẹ thường băn khoăn. Hầu hết trẻ tự kỷ đều chậm phát triển ngôn ngữ so với tuổi, nhất là thời điểm 18-24 tháng hoặc sớm hơn.
- Các bất thường tiền ngôn ngữ: Trẻ im lặng một cách không bình thường, tạo ra âm thanh không bình thường hoặc kỳ quặc.
- Ngôn ngữ không điển hình: Trẻ nói nhại lời mà không hiểu nghĩa, có thể lặp lại âm thanh ngay sau khi nghe được. Ngôn ngữ của trẻ tự kỷ thường thụ động, không biết duy trì một cuộc hội thoại đơn giản.
- Thiếu hụt kỹ năng chơi đa dạng, chơi giả vờ, bắt chước mang tính xã hội: Trẻ tự kỷ thường không biết chơi giả vờ hoặc trò chơi có luật như bạn cùng tuổi.
Hành vi định hình, rập khuôn, sở thích giới hạn
- Hành vi định hình: Là những hành vi lặp đi lặp lại, không điển hình, không chức năng như: Đi kiễng gót, quay tròn người, nhìn nghiêng, ngắm nhìn tay, quay vòng vòng...
- Thói quen rập khuôn: Có những thói quen rập khuôn như: Gõ đập đồ chơi, quay bánh xe, nhìn vật có chuyển động, đi về theo đúng một đường, mặc 1 bộ quần áo, chỉ ăn 1 món, đóng mở cửa nhiều lần...
- Sở thích thu hẹp: Trẻ tự kỷ có thể xem quảng cáo trong nhiều giờ liền, luôn cầm nắm một thứ gì đó trong tay như: Bút, chai, lọ, gấu bông...
Một đặc điểm của trẻ tự kỷ mà phụ huynh rất dễ nhầm lẫn là trẻ có trí nhớ đặc biệt về không gian và máy móc rất tốt. Trẻ có thể thích thú quá mức với những con số, nhớ các loại xe, học thuộc lời bài hát, làm toán nhanh... nên cha mẹ dễ nhầm tưởng là con quá thông minh.
Trẻ tự kỷ có một số hành vi định hình
Thoái lùi các kỹ năng
Phần lớn trẻ tự kỷ có các dấu hiệu bất thường từ trước 12 tháng, nhưng cũng không ít trường hợp phát triển bình thường, đạt được các mốc kỹ năng xã hội thích hợp rồi sau đó mất dần đi. Đầu tiên là thoái lùi về ngôn ngữ, sau đó là kỹ năng tương tác xã hội, thể hiện ở việc trẻ ít nói dần rồi ngừng nói, giảm giao tiếp mắt, giảm cử chỉ giao tiếp...
Các biểu hiện khác
Đặc điểm của trẻ tự kỷ còn thể hiện ở một số rối loạn đi kèm như: Tăng động, rối loạn cảm giác, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về tiêu hóa, thần kinh…
5 dấu hiệu cờ đỏ phát hiện sớm trẻ tự kỷ
Viện Hàn lâm thần kinh học Hoa Kỳ và Hướng dẫn thực hành của Hiệp hội thần kinh trẻ em về sàng lọc và chẩn đoán tự kỷ đã khuyến cáo và đưa ra 5 dấu hiệu cờ đỏ báo động tự kỷ như sau:
(1) Không bi bô, bập bẹ, không biết ra hiệu (chỉ tay, vẫy tay, bắt tay...) khi 12 tháng.
(2) Không nói được từ đơn khi 16 tháng.
(3) Không đáp lại khi được gọi tên.
(4) Không nói được câu có hai từ khi 24 tháng (không tính việc trẻ lặp lại lời nói).
(5) Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.