Tăng động giảm chú ý là gì?

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi những hành vi hiếu động quá mức, mất tập trung và kém chú ý. Một thống kê cho thấy, cứ 100 trẻ thì có 3 đến 5 trường hợp mắc rối loạn này và xuất hiện triệu chứng rất sớm.

Nhìn chung, tỷ lệ trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi theo từng quốc gia. Lứa tuổi thường gặp là từ 8 đến 11, bé trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần bé gái và sẽ giảm dần khi lớn lên.

Bé trai có khả năng mắc chứng tăng động cao gấp 3 lần bé gái

Bé trai có khả năng mắc chứng tăng động cao gấp 3 lần bé gái

Thực tế, trẻ bị rối loạn này có thể chỉ là tăng động hoặc giảm chú ý, đôi khi kết hợp cả hai. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 9 triệu chứng giảm chú ý, 6 triệu chứng tăng động và 4 triệu chứng xung động thường gặp ở trẻ bị ADHD.

Những biểu hiện trẻ tăng động phổ biến

Nói về trẻ tăng động, nhiều người vẫn còn lầm tưởng, đó chỉ là những biểu hiện nghịch ngợm, quậy phá quá mức. Điều này không hoàn toàn sai nhưng chưa đầy đủ, bởi biểu hiện trẻ tăng động còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác. Dưới đây là những triệu chứng trẻ tăng động cha mẹ cần chú ý:

Hiếu động, nghịch ngợm quá mức

Biểu hiện trẻ tăng động phổ biến và dễ nhận biết nhất là sự hiếu động, nghịch ngợm một cách thái quá. Dường như có một cỗ máy ở trong người trẻ, chúng có thể nghịch luôn tay luôn chân, không bao giờ chịu ngồi yên, thích leo trèo, chạy nhảy mọi lúc mọi nơi. Trong lớp, trẻ tăng động thường tự do đi lại, không thể ngồi yên một chỗ để nghe giảng.

Thiếu tập trung chú ý

Một trong những dấu hiệu trẻ tăng động điển hình và rất thường gặp là sự thiếu tập trung, chú ý, ngay cả khi cha mẹ, thầy cô, bạn bè đang nói chuyện trực tiếp với chúng. Đặc biệt, trẻ có thể nói dối rằng, mình vẫn đang nghe và hiểu lời người khác nói nhưng khi yêu cầu nhắc lại, chúng không thể làm được điều đó. Sự thiếu tập trung, chú ý ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp thu của trẻ, dẫn đến kết quả học tập kém, không thể theo kịp bạn bè cùng trang lứa.

Bốc đồng, nóng nảy

Bốc đồng là triệu chứng trẻ tăng động đặc trưng, thể hiện qua việc không suy nghĩ trước khi hành động, thích thì làm mà không quan tâm đến hậu quả. Trẻ có thể trèo lên trên cao rồi nhảy xuống, thậm chí lao nhanh ra đường mà không sợ nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ tăng động cũng rất nóng nảy, dễ cáu gắt, nếu bị người lớn quát mắng sẽ chống đối và đánh lại.

Quậy phá người khác

Với trẻ tăng động, việc hòa nhập cùng mọi người xung quanh thật sự khó khăn bởi khả năng giao tiếp bị hạn chế và không biết thể hiện cảm xúc của bản thân. Thế nhưng, trẻ lại thường xuyên quậy phá, chen ngang khi người khác đang nói chuyện hoặc phá đám các trò chơi của bạn bè.

Ồn ào, nói nhiều

Ồn ào, nói nhiều cũng là biểu hiện trẻ tăng động mà cha mẹ cần chú ý. Trẻ sẽ giành trả lời khi người lớn chưa hỏi xong, đôi khi nói những câu vô nghĩa và không ý thức được hoàn cảnh nào cần sự yên lặng. Mặt khác, trẻ cũng rất khó khăn khi chờ đến lượt của mình và không tuân thủ luật lệ của trò chơi.

Hay quên, bỏ dở công việc giữa chừng

Với trẻ tăng động, để hoàn thành trọn vẹn một nhiệm vụ cần rất nhiều sự nỗ lực. Trẻ sẽ bỏ dở công việc giữa chừng hoặc chuyển sang làm cái khác, đặc biệt là những nhiệm vụ cần sự tập trung, chú ý. Ví dụ như: Đang làm toán, trẻ có thể bỏ dở và ra ngoài chơi…

Trẻ tăng động thường bỏ dở công việc giữa chừng và chạy ra ngoài chơi

Trẻ tăng động thường bỏ dở công việc giữa chừng và chạy ra ngoài chơi

Rối loạn giấc ngủ

Trẻ tăng động thường bị mất ngủ, khó ngủ và hay tỉnh giấc giữa đêm. Trẻ cũng ngủ rất muộn, thậm chí 1-2 giờ sáng vẫn lăn lộn trên giường khiến cha mẹ phải thức chơi cùng.

Hậu quả khi trẻ bị tăng động

Trên thực tế, trẻ tăng động sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống và ở các lĩnh vực khác nhau, bao gồm:

  • Học tập: Trẻ tăng động không thể tập trung, chú ý khi học bài, dẫn đến kết quả học tập kém hơn so với các bạn.
  • Giao tiếp: Tính cách hung hăng, nóng giận khiến trẻ không được bạn bè quý mến, chơi cùng và khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ với mọi người
  • Mắc thêm nhiều bệnh lý: Trẻ tăng động có nguy cơ mắc phải các bệnh khác như: Trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lưỡng cực.
  • Xung đột giữa các thành viên trong gia đình: Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền thường ngày, cha mẹ trẻ tăng động sẽ phải quan tâm, chăm sóc cho con nhiều hơn để cải thiện các rối loạn một cách tốt nhất. Và đôi khi, đó lại là nguyên nhân gây nên những căng thẳng, xung đột trong gia đình, làm đảo lộn cuộc sống.
  • Sự nghiệp: Trong cuộc sống, người bị tăng động rất khó có thể tìm được một công việc phù hợp bởi khả năng tập trung của họ không cao, dẫn đến năng suất làm việc kém. Với sự bốc đồng và khó kiểm soát hành vi, họ rất dễ mắc lỗi, làm ảnh hưởng tới công việc, cũng như các mối quan hệ với người khác.

Việc chăm sóc một đứa trẻ bị tăng động có thể dẫn đến những xung đột trong gia đình

Việc chăm sóc một đứa trẻ bị tăng động có thể dẫn đến những xung đột trong gia đình

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị tăng động?

Cũng giống các rối loạn phát triển khác, trẻ tăng động nếu được phát hiện sớm và can thiệp tích cực có thể giảm bớt những hành vi quá mức, cải thiện khả năng học hỏi, tập trung, chú ý. Dưới đây là một số phương pháp dạy trẻ tăng động được các chuyên gia khuyên dùng:

  • Thiết lập những nguyên tắc cụ thể

Nếu muốn nhắc nhở hoặc yêu cầu trẻ thực hiện một nhiệm vụ nào đó, cha mẹ cần giải thích kỹ lưỡng và hướng dẫn cụ thể. Để giúp trẻ ghi nhớ và tập trung hơn, bạn hãy ghi các yêu cầu của mình lên giấy rồi dán xung quanh nhà hoặc ở những vị trí trẻ thường lui tới như tivi, tủ lạnh để có thể dễ dàng nhìn thấy.

  • Thưởng, phạt rõ ràng

Trẻ tăng động thường phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Chính vì vậy, khi trẻ làm tốt hoặc có hành vi đúng đắn, hãy động viên và tạo động lực qua những lời khen ngợi như: “Con làm tốt lắm”; “Cố gắng hơn nữa nhé”; hoặc “Mẹ rất tự hào về con”… Ngoài ra, bạn cũng có thể tặng cho trẻ những món quà nhỏ như: Một buổi đi chơi công viên hay món đồ chơi yêu thích… để khích lệ trẻ phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ tiếp theo.

Ngược lại, nếu trẻ làm sai, bạn cần đưa ra hình thức kỷ luật để ngăn chặn điều đó tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, không nên đánh đòn hay quát mắng vì có thể khiến trẻ tức giận và chống đối lại.

  • Trò chuyện, chơi cùng trẻ mỗi ngày

Với bất kỳ đứa trẻ nào, trò chuyện là cách đơn giản nhất để hiểu được vấn đề chúng đang gặp phải. Thông qua các trò chơi, mẹ có thể lồng ghép những câu chuyện trong cuộc sống, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, sự kiên nhẫn, tư duy và là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình.