Rối loạn điều hòa cảm giác khiến trẻ tự kỷ phản ứng quá nhạy hoặc quá trơ với những kích thích giác quan mà chúng cảm nhận được từ các yếu tố môi trường xung quanh. Khi xử lý cảm nhận cảm giác kém, trẻ ít tập trung, nhận thức không tốt, ảnh hưởng đến khả năng học tập và hành vi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin xoay quanh chủ đề này để bạn tham khảo.

Rối loạn điều hòa cảm giác là gì?

Điều hòa cảm giác là thuật ngữ mô tả não thu nhận và tổ chức thông tin từ các giác quan, sau đó xử lý chúng. Chính từ điều này mà con người mới có những phản hồi bằng các hành vi và vận động phù hợp. Đây là quá trình tự động hóa thu thập thông tin từ các cơ, khớp, da, tai trong, mắt, mũi, miệng.

Ở trẻ tự kỷ, các cơ quan cảm giác (mắt, tai, mũi, họng, da…) đều bình thường nhưng tại một số vùng não chịu trách nhiệm cho việc xử lý thông tin lại hoạt động không đúng. Do vậy, sự phản hồi với môi trường sẽ thiếu chính xác và không phù hợp. Hiện tượng này được gọi là rối loạn điều hòa cảm giác.

Trẻ có khó khăn trong xử lý các cảm nhận qua giác quan được chia làm 2 loại chính là: Quá nhạy (thái quá) hoặc quá trơ lì (dưới ngưỡng).

  • Phản ứng thái quá: Trẻ có thể thể hiện những hành vi cho thấy chúng đang phản ứng thái quá trước thông tin mà mình tiếp nhận được. Điều đó có nghĩa trẻ phản ứng lại ở một mức độ cao hơn bình thường. Ví dụ, khi có những phản ứng thái quá về xúc giác, trẻ sẽ thấy khó chịu nếu ai đó chạm vào người.
  • Phản ứng dưới ngưỡng: Là những phản ứng yếu ớt trước những thông tin được đưa tới. Ví dụ trẻ sẽ luôn muốn ôm, chạm vào mọi vật hay đập đầu vào đâu đó.

Một số biểu hiện rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ

Các giác quan có vai trò quan trọng trong quá trình học hỏi của trẻ. Nhưng sự rối loạn điều hòa cảm giác đã ảnh hưởng đến khả năng lưu giữ thông tin, gây ra những thách thức trong cuộc sống của trẻ.

Một số biểu hiện rối loạn điều hòa cảm giác được ghi nhận ở trẻ tự kỷ cũng như các rối loạn khác như:

  • Nhắm mắt để tránh một kích thích thái quá từ môi trường.
  • Có thể tránh ánh sáng hoặc nhìn chằm chằm vào một vật gì đó rất lâu.
  • Tránh giao tiếp mắt, không quan tâm đến đồ vật, mọi người xung quanh.
  • Khó chịu khi chạm vào một số chất liệu như bông, len...
  • Không thích người khác ôm, hôn, tiếp xúc thân thể, sợ bị chạm vào.
  • Ít đáp ứng khi được gọi tên.
  • Không thích rửa mặt, gội đầu, đánh răng, chỉ mặc một bộ quần áo.
  • Không thích vận động, thích ngồi, đứng hoặc nằm dài, lười nhác, có thể ngủ nhiều.
  • Vụng về, không biết phối hợp các vận động tay chân.
  • Không nhận biết được sự khác nhau giữa nóng và lạnh.
  • Thích mân mê các đồ vật nhỏ trong tay.

Giúp trẻ tự kỷ điều hòa cảm giác bằng cách nào?

Trẻ tự kỷ thường có những khó khăn nhất định trong việc phối hợp các giác quan do hệ thống tổ chức xử lý thông tin hoạt động kém hiệu quả. Những thông tin từ các giác quan sẽ được xử lý một cách bất thường và kết quả là trẻ biểu hiện không đúng.

Hiện nay, để cải thiện khả năng phối hợp các giác quan cho trẻ tự kỷ, người ta sử dụng các bài tập trị liệu vận động. Khi làm việc với trẻ tự kỷ, chuyên viên trị liệu sẽ đưa ra chương trình riêng biệt cho từng trẻ bao gồm những hoạt động và cách thức thực hiện nhằm khắc phục sự rối loạn chức năng của các giác quan. Mục đích tổng quát của việc can thiệp này là:

  • Nhận biết những khó khăn cụ thể trong quá trình hoạt động của các giác quan.
  • Đưa ra những hoạt động để tạo thêm chức năng mà trước đây các giác quan của trẻ không có.
  • Đem đến những cách thức và hoạt động để bổ sung các chức năng cần thiết cho giác quan nhằm giúp trẻ có hành vi phù hợp với xã hội bên ngoài.
  • Làm việc với trẻ và gia đình để duy trì chức năng của các giác quan nhằm đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.