Bên cạnh sự thiếu hụt về khả năng giao tiếp, tương tác xã hội cùng những hành vi, sở thích bất thường thì trẻ tự kỷ còn có rất nhiều nỗi sợ hãi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của trẻ, gây ra những lo lắng quá mức, nghiêm trọng hơn là trầm cảm. Vậy thực tế, trẻ tự kỷ sợ gì và giải quyết chúng bằng cách nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Trẻ tự kỷ và những nỗi sợ hãi

Rối loạn lo âu là vấn đề thường xuyên xảy ra với trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ. Trong tất cả các loại rối loạn lo âu thì ám ảnh sợ hãi là phổ biến nhất với tỷ lệ mắc từ 31-64%.

Theo chuyên gia, hầu hết trẻ em mắc chứng tự kỷ đều trải qua những nỗi sợ hãi thông thường hoặc bất thường và điều đó có thể làm suy giảm các chức năng của trẻ. Một nghiên cứu quy mô lớn được báo cáo trên tạp chí Research in Autism Spectrum Disorders đã thống kê, những nỗi sợ hãi bất thường ở 1033 trẻ từ 1-16 tuổi mắc chứng tự kỷ. Trong đó, 421 trường hợp (40,8%) trong số 1033 trẻ tự kỷ có các nỗi sợ hãi bất thường với 93 điều khác nhau.

Những nỗi sợ phổ biến nhất ở trẻ tự kỷ là:

  • Đồ cơ khí: Máy xay sinh tố, máy sấy tóc, máy hút bụi...
  • Độ cao: Thang máy, thang cuốn, chiều cao, bậc thang.
  • Thời tiết: Mây, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy, mưa, giông.
  • Địa điểm: Phòng tắm, phòng ngủ, gara, không gian rộng và mở...
  • Phương tiện trực quan: Nhân vật trong phim, chú hề, chương trình truyền hình, quảng cáo.
  • Kích thích giác quan: Âm thanh lớn, đụng chạm cơ thể, quần áo có chất liệu vải sợi thô...

Mỗi trẻ tự kỷ có thể có một hoặc nhiều nỗi sợ khác nhau. Và những nỗi sợ đó có thể ám ảnh trẻ đến tuổi trưởng thành, gây ra những lo lắng quá mức. Nếu điều này kéo dài mà không được phát hiện và khắc phục, trẻ có thể bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, thậm chí trầm cảm.

Làm gì để cải thiện nỗi sợ hãi ở trẻ tự kỷ?

Theo chuyên gia, hầu hết trẻ tự kỷ có thể học cách quản lý nỗi sợ hãi của mình nếu được cung cấp các công cụ và sự giúp đỡ phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn trong việc giúp trẻ kiểm soát chứng sợ hãi:

Học cách nhận biết các nỗi sợ hãi ở con

Nhiều cha mẹ đã cố gắng hết sức để bảo vệ con mình bằng cách tránh những tình huống có thể dẫn đến kích động quá mức. Cách tiếp cận này đôi khi phù hợp, nhưng nó sẽ khiến trẻ không thể tự giải quyết vấn đề bản thân đang gặp phải. Bạn có thể giúp trẻ quản lý nỗi sợ bằng cách đưa ra lời cảnh báo trước và lập mục tiêu cụ thể. Điều này sẽ giúp trẻ hình dung được những gì sắp xảy ra để từ đó có sự chuẩn bị cho việc thay đổi tiếp theo.

Giúp trẻ quản lý nỗi sợ hãi bằng cách đưa ra cảnh báo trước

Giải quyết từng nỗi sợ

Khi bạn nhận thấy con mình có nhiều hơn một nỗi sợ, hãy cố gắng sắp xếp chúng từ nhẹ đến nặng và giải quyết từng vấn đề thông qua liệu pháp tiếp cận hành vi. Đó có thể là những bài tập hít thở sâu và suy nghĩ tích cực nhằm kiểm soát các phản ứng lo lắng, sợ hãi của cơ thể.

Cùng con vượt qua nỗi sợ

Bước quan trọng nhất trong việc giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi là đối mặt với chúng. Ví dụ, nếu trẻ sợ tiếng sấm, bạn hãy giải thích tường tận về sự xuất hiện của nó. Sau khi trẻ hiểu một phần, bạn có thể phát bản ghi âm tiếng sét ở âm lượng nhỏ, sau đó tăng dần theo thời gian nhưng vẫn đảm bảo trẻ cảm thấy thoải mái.

Đánh lạc hướng sự sợ hãi

Trẻ tự kỷ có thể sợ hãi với một số tình huống và không thể tránh được. Lúc này, bạn có thể giảm bớt sự lo lắng ở con bằng các hoạt động như:

  • Hướng sự chú ý của trẻ vào bất cứ thứ gì khiến con thích thú và cảm thấy thoải mái, chẳng hạn đồ chơi hoặc món ăn.
  • Đọc một quyển sách mà trẻ thích.
  • Đưa trẻ đến một nơi yên tĩnh và an toàn, ôm con, vỗ về.
  • Nhảy trên tấm bạt lò xo, chạy quanh sân…