Đối với trẻ chậm phát triển, đồ chơi không chỉ mang lại niềm vui, mà còn thúc đẩy ngôn ngữ, tương tác, cải thiện khả năng tư duy, tưởng tượng của bé. Vậy đâu là tiêu chí khi chọn đồ chơi cho trẻ chậm phát triển và cần lưu gì trong quá trình chơi với con? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!

Chọn đồ chơi cho trẻ chậm phát triển thế nào?

Chọn đồ chơi cho trẻ chậm phát triển thế nào?

5 tiêu chí chọn đồ chơi cho trẻ chậm phát triển

Trẻ chậm phát triển gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Trẻ thường không biết cách chơi trò chơi hay bộc lộ cảm xúc của mình. Vì thế, ba mẹ cần chọn các loại đồ chơi có thể cải thiện vấn đề này.

Phát triển kỹ năng vận động

Kỹ năng vận động là một trong những lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Vận động ở trẻ được chia thành 2 loại là vận động thô và vận động tinh. Trong đó, vận động thô là những kỹ năng liên quan đến sự phối hợp vận động các cơ của cơ thể như: Lẫy, bò, đứng, đi, chạy, nhảy.... Vận động tinh là những kỹ năng liên quan đến việc điều khiển bàn tay và các ngón tay như: Cầm nắm đồ vật, cầm bút, viết chữ, nặn đất, vẽ tranh... Tuy nhiên, với trẻ chậm phát triển, hầu hết các kỹ năng vận động đều hạn chế, dẫn tới việc khó khăn khi học tập và cần sự trợ giúp của người lớn.

Để phát triển kỹ năng vận động của trẻ, cha mẹ có thể chọn một số đồ chơi sau:

  • Vận động thô: Bóng ném, dây nhảy...
  • Vận động tinh: Trò chơi cắt dán, xâu hạt, đất nặn, ghép hình…

Đồ chơi phát triển IQ

Trẻ chậm phát triển có trí tuệ trung bình, tư duy chậm nên khả năng học tập sẽ kém hơn bạn cùng lứa tuổi. Vì vậy, ba mẹ cần lựa những đồ chơi giúp rèn luyện trí não, từ đó tăng khả năng ghi nhớ, sáng tạo cho trẻ. Điều này cũng góp phần thúc đẩy ngôn ngữ phát triển, cải thiện giao tiếp và tương tác xã hội. Một vài trò chơi nhóm này bao gồm:

  • Đồ chơi câu đố: Là bộ trò chơi thông minh, giúp kích thích sự tìm tòi, khám phá của trẻ, tăng cường trí tuệ.
  • Nhạc cụ: Những loại đồ chơi phát ra âm thanh luôn có sức hút kỳ lạ với bất kỳ em nhỏ nào, kể cả trẻ chậm phát triển. Với những trẻ đặc biệt này, âm nhạc không chỉ giúp trẻ nhạy bén hơn mà còn rèn luyện thính lực và sức sáng tạo của mình.

Đồ chơi cải thiện nhận thức

Khi tìm mua đồ chơi cho trẻ chậm phát triển, bạn nên chọn loại có màu sắc bắt mắt, kích thước khác nhau. Loại đồ chơi này sẽ giúp trẻ phân biệt được màu sắc, lớn nhỏ, thúc đẩy trí tưởng tượng của bé, tăng khả năng liên kết các vật thể với nhau.

Thẻ flash, con số, chữ viết hoặc tranh ảnh là những gợi ý cho ba mẹ.

Rèn luyện khả năng tập trung

Thời gian tập trung của trẻ thường ngắn hơn so với người lớn. Điều này khiến trẻ chậm phát triển gặp khó khăn khi học các kỹ năng, tiếp thu kiến thức. Muốn trẻ chú ý lâu vào một thứ gì đó, bạn nên cho bé chơi những món đồ cần sự tập trung cao như xếp hình, câu cá... Ngoài ra, đọc sách cũng là một phương pháp giúp rèn luyện tập trung hiệu quả. Khi cùng trẻ đọc sách, bạn vừa đọc to vừa chỉ vào hình ảnh để bé hình dung được cách phát âm, đồng thời nhận thức tốt hơn về sự vật đó.

Kích thích sự sáng tạo

Không chỉ cải thiện nhận thức, đồ chơi cho trẻ chậm phát triển còn giúp bé nâng cao khả năng sáng tạo. Thông qua các trò chơi, trẻ có thể thỏa sức tưởng tượng, liên tưởng đến những điều thú vị. Những đồ chơi nên có khi dạy trẻ chậm phát triển là búp bê, gấu bông, mô phỏng vật dụng trong nhà

Hướng dẫn ba mẹ cách chơi với trẻ

Chơi là một biện pháp trị liệu hiệu quả cho trẻ chậm phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình chơi với trẻ, ba mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Cố gắng hướng sự chú ý của trẻ vào bạn trong khi chơi.
  • Khi chơi, nên nói những từ đơn giản gắn với các vật mà trẻ đang nhìn hoặc làm.
  • Bắt chước hành động của trẻ để tăng tương tác, tạo ra không gian vui nhộn.
  • Đồ chơi nên xếp theo từng loại, có nhãn dán bên ngoài, sau khi chơi xong, hãy dạy bé cách thu dọn đồ thật ngăn nắp.
  • Theo sát hành động của trẻ, hướng dẫn nếu bé chưa biết chơi đúng, sau đó giảm dần sự trợ giúp.
  • Với những trò chơi đồng đội, cần dạy bé biết chờ đợi đến lượt của mình.